Doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản đang háo hức trước viễn cảnh thị trường sớm được mở cửa trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng thời gian cuối năm có thể xảy ra cơn sốt đất ở một số khu vực trong cả nước sau khoảng thời gian dài thị trường bị dồn nén vì dịch bệnh.
Sau nhiều tháng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid – 19 nhiều địa phương đang lên kế hoạch để dần mở cửa các hoạt động kinh tế.
Tại TP.HCM từ ngày 16.9 nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đã được cho phép mở cửa trở lại. Trong đó, có các công trình xây dựng của các dự án bất động sản. Nhiều người kỳ vọng, sau ngày 30.9 thành phố sẽ kiểm soát được dịch bệnh và nền kinh tế có thể dần khôi phục lại như bình thường.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ mới đây, Bí thư thành uỷ Tp.HCM Nguyễn Văn Nên, có nhiều gợi mở về kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế của huyện. Theo ông Nên, huyện Cần Giờ đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và tiếp tục cố gắng giữ vững trong sạch địa bàn để phát triển dịch vụ, du lịch.
Trong tình hình khả quan thì sau ngày 30.9 hoạt động du lịch, vui chơi tại huyện đảo này sẽ được khôi phục một phần. Đây là thông tin vui với người dân và là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Cần Giờ, trong đó có thị trường bất động sản.
Trong những năm qua, bất động sản Cần Giờ luôn là một điểm nóng của thị trường. Huyện đảo này ngoài thế mạnh về du lịch sinh thái biển, rừng ngập mặn thì sự xuất hiện của siêu dự án lấn biển của một nhà đầu tư đình đám hứa hẹn sẽ thay đổi toàn diện bộ mặt của Cần Giờ trong thời gian tới.
Với các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An cũng đang lên kế hoạch để nối lại hoạt động kinh tế sau khi đạt được những kết quả khả quan trong phòng, chống dịch bệnh.
Anh Vương, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, trong nhiều tháng qua các nhà đầu tư bị “bó chân” do các địa phương siết chặt giãn cách xã hội. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và các địa phương bắt đầu mở cửa lại từ cuối tháng 9 thì thị trường bất động sản những tháng cuối năm sẽ rất hứa hẹn do nhu cầu đầu tư rất lớn bị kìm nén suốt thời gian qua.
Theo anh Vương, phân khúc căn hộ, Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cần thêm thời gian để sôi động trở lại. Riêng với thị trường đất nền, đặc biệt là những địa phương lân cận TP.HCM và những nơi đang có hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư sẽ sôi động hơn, thậm chí sẽ xảy ra cơn sốt đất cục bộ ở một số nơi.
Cụ thể, nhà đầu tư này phân tích những khu vực có giá đất đã cao như TP.HCM, Bình Dương hay Đồng Nai sẽ ít được người mua săn tìm hơn so với các khu vực mới nổi và giá đất còn mềm, ăn theo các tuyến cao tốc, sân bay đang được đầu tư như Bình Phước, Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận…
chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh chia sẻ, thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm có được hâm nóng hay không phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin cho người dân ở các địa phương.
Ông Chánh cho rằng, 3 tháng cuối năm 2021 khó xảy ra sốt đất nhưng không phải là không thể có. Đặc biệt, tại những địa phương đã từng xảy ra những cơn sốt đất trước đây. Trong đó, có các tỉnh ven đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội và những khu vực giàu tiềm năng công nghiệp, nơi có hạ tầng phát triển như Bình Phước, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Cũng theo chuyên gia này, trong thời gian tới thị trường bất động sản có thể đón nhận thêm làn sóng F0 từ các thị trường khác như chứng khoán hoặc các nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ kênh khác sẽ chuyển dòng tiền vào thị trường nhà đất.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng cần theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng… Nghiên cứu biện pháp phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng của việc tăng giá vật liệu xây dựng nói chung và giá thép nói riêng, nhằm chống độc quyền, đầu cơ găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng.
Theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng; đồng thời thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Nguồn: st
Leave a Reply